Rừng phòng hộ đầu nguồn phòng chống lũ lụt và góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

  07/02/2018

Rừng phòng hộ đầu nguồn phòng chống lũ lụt và góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

(Nguồn: Môi trường và đời sống - moitruongvadoisong.vn - TS. Nguyễn Bá Chất, TT Tư vấn & Phát triển môi trường Lâm nghiệp)

Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ở Việt Nam đã có hệ thống văn bản chủ trương chính sách, kỹ thuật, từng thời gian có bổ sung sửa đổi nhưng còn nhiều vấn đề cần được cập nhật.

1. Công cuộc xây dựng rừng được quan tâm

Rừng phòng hộ có vai trò to lớn trong phòng chống thiên tai (gió bão, lụt lội,khí thải…) và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Với điều kiện địa hình và khí hậu Việt Nam, lũ lụt là một trong những hiện tượng thiên tai có tác động lớn đến đời sống, sinh mệnh của người dân khắp mọi miền của đất nước. Vì thế, từ năm 1992 đến nay, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách sử dụng đất trống đồi núi trọc, rừng bãi bồi ven biển và mặt nước (QĐ 327-1992) để trong 10-15 năm cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái nhằm cải thiện góp phần phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, ổn định đời sống nông dân. Tiếp theo là chương trình trồng 5 triệu ha rừng (1998-2010) với 3 mục tiêu cụ thể.

Diện tích để phát triển rừng là 16 triệu ha, chiếm 48,3% tổng số diện tích tự nhiên toàn quốc. Diện tích cho rừng phòng hộ là 6 triệu ha, chiếm 18,2% diện tích toàn quốc. Tất cả các loại rừng và các hệ canh tác nông nghiệp tạo nên độ che phủ (cao su, điều, cà phê, chè…) đều có tác dụng phòng hộ trên từng mặt nhất định. Nhưng trong 6 triệu ha rừng phòng hộ được quy hoạch và bố trí ở những vùng xung yếu có vai trò quan trọng lâu dài. Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ở Việt Nam đã có hệ thống văn bản chủ trương chính sách, kỹ thuật, từng thời gian có bổ sung sửa đổi nhưng còn nhiều vấn đề cần được cập nhật.

Lần đầu tiên với chủ trương: “Để 10-15 năm tới, cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ được rừng và môi trường sinh thái, sử dụng tiềm năng đất trống ở miền núi trung du, bãi bồi ven biển và mặt nước nhằm tăng thêm sản phẩm hàng hóa và nguyên liệu cho công nghiêp; hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư, gắn kinh tế với xã hội, từng bước ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng kinh tế mới, đồng bào dân tộc, góp phần tích lũy cho nhà nước và củng cố quốc phòng, an ninh” (QĐ 327-CT,1992). Phạm vi và quy mô của chương trình rất lớn đặt mục tiêu về môi trường-kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng, trong đó lấy mục tiêu kinh tế xã hội làm chính, nên việc xây dựng rừng phòng hộ chưa được thật sự chú ý. Năm 1994 chương trình đã có sự chuyển hướng: lấy bảo vệ rừng làm mục tiêu chính. Năm 1995 lấy trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc làm chính với Quyết định 556/TTg đã hướng tới nhiệm vụ trọng tâm: Bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Điều quan trọng của việc phát huy chức năng của các lâm phận (rừng) phòng hộ là tác dụng phòng hộ của chúng. Rừng phải xây dựng ra sao, với các hệ thống biện pháp kỹ thuật và cơ cấu cây trồng nào đáp ứng được cụ thể chức năng cho loại rừng phòng hộ trong các vùng sinh thái đặc thù của đất nước. Ở đây chưa đề cập đến các chính sách đầu tư, quản lý cụ thể. Tuy nhiên mỗi lĩnh vực đều có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự thành công của chương trình. Chương trình đặt mục tiêu 10-15 năm, nhưng mới thực hiện được 6 năm cũng đã phủ xanh được 1.475.272 ha. (Báo cáo đánh giá về kỹ thuật nghiệp vụ 6 năm thực hiện chương trình 327, Bộ NN&PTNT).

Phát huy những thành quả của Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một công trình quan trọng quốc gia được tiến hành từ năm 1998 -2010. Dự án có 3 mục tiêu lớn: Trồng mới 5 triệu ha rừng cùng với bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ rừng lên 43%, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn gen và tính đa dạng sinh học; sử dụng hiệu quả diện tích đất trống đồi núi trọc, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, định canh định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới; cung cấp gỗ nguyên liệu để sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm sản khác cho tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với công nghiệp chế biến lâm sản, đưa lâm nghiệp thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội miền núi.

Về các giải pháp kỹ thuật dự án cũng nêu những điểm tổng quát cho rừng phòng hộ: Tùy yêu cầu phòng hộ từng vùng, khí hậu và đất đai chọn lựa các loại cây trồng có tác dụng phòng hộ tốt, trồng hỗn loài, chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt, được đất xấu , đất dốc ven biển, có khả năng chống chịu sâu bệnh và chống cháy tốt, ở nơi có điều kiện phù hợp trồng được các loài cây có giá trị kinh tế thì được khuyến khích. Cơ cấu cây trồng do UBND tỉnh, thành phố quy định. Vấn đề quy hoạch các lâm phận phòng hộ cũng đã được tiến hành.

Về mặt kỹ thuật xây dựng rừng từ khi khởi động Chương trình 327 cho tới Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng mới chỉ có quy phạm: Quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn QPN 13-91 ban hành theo Quyết định số 134-QĐ/KT ngày 04 tháng 4/1991. Trong quy phạm cũng nêu tổng quát ở điều 8 rừng phòng hộ rất xung yếu . Đây là hệ thống rừng chuyên phòng hộ được ưu tiên xây dựng và quản lý chặt chẽ, nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho dòng chảy sông, hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất; hạn chế bồi lấp sông, hồ. Rừng chuyên phòng hộ tối ưu có kết cấu hỗn loài, nhiều tầng, kín rậm, bền vững và ổn định; có độ tàn che trên 0,6; có lớp thảm tươi và thảm mục che phủ mặt đất; có tỷ lệ che phủ rừng trên 70% và phân bố đều trên toàn vùng.

Với các văn bản quy định cơ cấu cây trồng, kỹ thuật tạo rừng có tính chất lý thuyết và tổng quát yêu cầu cấp cơ sở cụ thể hoá, tuy vậy hiện nay cấp cơ sở chưa có điều kiện để cụ thể hoá. Hiện nay mỗi tỉnh có 1 chi cục lâm nghiệp, cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm nhiều việc, có nơi cũng soạn thảo quy trình song mới dựa trên kinh nghiệm và suy luận chủ quan. Sự áp dụng khác nhau với sự phân cấp, thiếu hệ thống giám sát thường xuyên nên trong thực tế trồng rừng phòng hộ còn nhiều vấn đề bất cập.

Chiến lược Phát triển rừng 2006-2020 đã xác định mục tiêu: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 – 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 5,68 triệu ha rừng phòng hộ và 2,16 triệu ha rừng đặc dụng.

Rừng phòng hộ có vai trò to lớn trong phòng chống thiên tai (gió bão, lụt lội, khí thải…) và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

2. Rừng phòng hộ được tăng cường, lũ lụt vẫn thường xuyên gây hại.

Chiến lược Phát triển lâm nghiệp (2006-2020) đề ra Quy hoạch hợp lý, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ khoảng 5,68 triệu ha và rừng đặc dụng 2,16 triệu ha. Năm 1999 Cục Lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng đã nghiên cứu xây dựng lâm phận phòng hộ quốc gia, xuất phát từ chủ trương của nhà nước đầu tư xây dựng diện tích rừng phòng hộ cả nước từ 6-7 triệu ha. Từ định hướng này, tiến hành rà soát và phân bố lại diện tích lâm phận phòng hộ quốc gia cho các tỉnh.

Quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn phân cấp 3 loại rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu (cấp I), vùng xung yếu (cấp II) và vùng ít xung yếu(cấp III). Việc quy hoạch đã được tiến hành theo các bước: Quy hoạch lâm phận phòng hộ đầu nguồn cho toàn quốc. Phân bổ chỉ tiêu diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn khống chế cho từng tỉnh. Quy hoạch lâm phận phòng hộ quốc gia cho từng tỉnh. Tổng hợp và hiệu chỉnh quy hoạch lâm phận phòng hộ chính thức. Kết quả đã quy hoạch phòng hộ đầu nguồn cho 41 lưu vực sông toàn quốc. Theo quy hoạch, diện tích rừng phòng hộ toàn quốc giai đoạn 2001-2010. Trong 6 triệu ha rừng phòng hộ, hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn chiếm diện tích lớn nhất . Điều đó cho thấy quy hoạch đã lượng định được vai trò quan trọng của rừng đầu nguồn với việc phòng chống lũ lụt.

Theo báo cáo Diễn biến diện tích rừng hàng năm (đến 31/12/2009) rừng phòng hộ đã có rừng: 4.832.962 ha (trong đó rừng tự nhiên: 4.241.384 ha; rừng trồng: 591.578 ha). QĐ 2140/QĐ-BNN-TCLN ngày 09/8/2010. Tính đến tháng 12/2010 diện tích rừng Việt Nam đã đạt 12.993.247 ha, độ che phủ 39,5%. Theo báo cáo tổng hợp kết quả dự án trồng mới 5 triệu ha rừng nhận định: Về giá trị môi trường rừng thì môi trường sinh thái được nâng lên, nhiều nơi nguồn sinh thủy được cải thiện đáng kể. Với 2.450.000 ha rừng giá môi trường đạt 184.000.000 tỷ. Độ che phủ rừng đạt 39,5%, nhiều vùng đất trống đồi núi trọc đã cơ bản được phủ xanh góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đê biển. Tuy nhiên, chưa thể hiện chi tiết về diện tích rừng phòng hộ đã thiết lập theo quy hoạch (phòng hộ rất xung yếu và xung yếu). Tất cả diện tích rừng được tạo lập ở điều kiện địa hình nào, dù là phòng hộ, đặc dụng, sản xuất đều có tác dụng phòng hộ môi trường và phòng chống thiên tai. Nhưng rừng phòng hộ có vai trò đặc thù riêng.

Thực tế rừng tăng diện tích, đồi núi trọc giảm dần, nhưng các năm qua nước ta vẫn bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng như: Mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục lên nhanh, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức 17,3m (trên báo động II: 3,8m), vượt lũ lịch sử năm 2007 tới 1,17m); sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 12,8m (trên báo động III: 2,3m), tương đương lũ lịch sử năm 1960); sông La tại Linh Cảm lên mức 5,7m (trên báo động II: 0,2m); sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 7,8m (trên báo động III: 1,3m); sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên 2,7m (ở mức báo động III); lũ trên các sông ở Nghệ An có khả năng lên lại. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng trên lưu vực sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (Quảng Bình) tiếp tục diễn ra nghiêm trọng… Quảng Bình , Phú Yên, Nghệ An cũng chịu nhiều thiệt hại của đợt bão lũ này.

Năm 2011 bão lũ lụt đang tàn phá nhiều nơi: Liên tiếp những ngày từ 30/8 đến 4/9/2011 mưa lớn kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại nặng về tài sản và hoa màu ở các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bình Thuận… Theo đó, từ 30/8 đến 1/9, mưa lớn đã gây thiệt hại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tại thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, hơn 20 ha đất sản xuất của người dân bị thiệt hại, nhiều diện tích bắp lai vừa được trồng khoảng 20 ngày đã bị lũ quét sạch. Mưa lớn cũng đã làm sạt lở một khối lượng lớn đất đá từ đỉnh núi, đe dọa sự an toàn của bà con, vết lở có chiều dài hơn 200 m, rộng gần 20 m. Cùng ngày, chiều 1/9 tại tỉnh Cao Bằng mưa to kèm theo gió lốc khiến 646 nhà dân và 13 ha hoa màu đã bị hư hại nặng. Trong đó có 4 huyện bị thiệt hại nặng nề nhất gồm: Hoà An hơn 300 nhà bị hư hại, Hà Quảng 200 nhà, Quảng Uyên 91 nhà, Nguyên Bình 38 nhà. Bảo Lâm, Bảo Lạc và một số huyện khác cũng bị thiệt hại nhưng chưa thống kê được. Đây là con số thiệt hại được Ban Phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Cao Bằng công bố tính đến 18 giờ ngày 3/9. Trong hai ngày mùng 2 và 4/9 tại Yên Bái và Lào Cai mưa lớn lũ quét cũng gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ngày 2/9 mưa lớn lũ quét làm tốc mái 21 nhà dân tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Kèm theo đó, lốc xoáy cũng làm thiệt hại một số ha rau màu tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ. Ước tính thiệt hại ban đầu là 6 triệu đồng. Tại Lào Cai, UBND xã Cam Đường thành phố Lào Cai cho biết, sáng ngày 4/9, một trận mưa lớn kéo dài trong hai tiếng, đã gây nên lũ ống tàn phá các thôn Thác, Vạch, Nhớn, Dạ ở xã Cam Đường. Thống kê ban đầu, lũ ống đã làm ngập hơn 30 nhà dân hai bên suối Ngàn, quét vỡ nhiều ao hồ nuôi cá của người dân và bồi lấp, cuốn trôi hàng chục ha lúa và hoa màu. Đây là lần thứ 2 trong mùa mưa bão năm nay, lũ ống tàn phá các thôn trên. Trước đó, chỉ trong đêm ngày 12/5, lũ ống đột ngột ập về gây thiệt hại nặng tại đây. (Thiennhien.net -Nguyễn Hồng tổng hợp). Mưa lớn ngày 23/7/2011 đã gây úng ngập cục bộ nhiều khu vực tại thành phố Yên Bái cũng như gây lũ quét ở một số nơi tại Điện Biên. (Chinhphu.vn).

Hệ thống rừng phòng hộ (đầu nguồn) thực chất đã giảm thiểu được thiệt hại do bão lụt đến mức độ nào? Một vấn đề được đặt ra: Diện tích rừng phòng hộ tăng mạnh nhưng chưa hạn chế được lũ lụt đã xẩy ra nhiều năm liên tục?

Một khả năng xảy ra là hệ thống rừng phòng hộ có quy hoạch nhưng trên thực tế chưa được bố trí hệ thống rừng phòng hộ phù hợp. Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, nhiều tầng. (Điểm 1 Điều 45- Luật Bảo vệ và phát triển rừng). Một trong những yếu tố quan trong để phát huy tính năng phòng hộ (giữ và điều tiết nước) rừng phải thành từng khối đủ lớn, thành vùng ở những khu vực địa hình phức tạp, cao. Thực trạng nhiều nơi rừng trồng loang lổ kiểu da báo, chưa thành khối. Trên những triền núi chưa tạo được những dãy rừng song song với đường đồng mức có độ rộng đủ lớn để giữ đất, giữ nước. Kiểu trồng da báo không thỏa mãn được yêu cầu phòng hộ. Trong chỉ đạo cụ thể thường thiên về trồng rừng từng vùng. Nhưng với đầu tư chưa khi nào đảm bảo để có những khu rừng phòng hộ với loài cây có khả năng phòng hộ lớn, tạo thành kết cấu nhiều tầng. Kế hoạch và chỉ đạo lấy diện tích và công thức hỗn giao theo băng với loài mọc nhanh và loài cây bản địa hoặc tre luồng. Thiết kế và quá trình trồng rừng thực sự chưa tạo được rừng phòng hộ với kết cấu nhiều tầng.

Trong thực tế cho thấy, kết cấu rừng phòng hộ chưa đạt yêu cầu (rừng trồng). Điều này có thể khắc phục được hay không? Nhận định chất lượng rừng phòng hộ (rừng trồng) chưa đạt yêu cầu như quy trình đã đề ra. Thực ra chưa có quy trình cụ thể cho từng loại rừng hỗn giao ở 9 vùng sinh thái lâm nghiệp, bao gồm nhiều tiểu vùng sinh thái với công thức Keo + n Loài bản địa chủ yếu bố trí theo hàng, băng, đám.. Thực tiễn những nội dung kỹ thuật này vẫn cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu.

Quy hoạch và bố trí rừng phòng hộ đã có kiểm chứng giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch, hiệu quả phòng hộ trên từng lưu vực cụ thể. Trong thực tế thường thực hiện phương châm, nơi nào dễ trồng trước, khó trồng sau, trồng ở chân đồi, nơi ít dốc. Những vùng trồng rừng phòng hộ nơi cao, nơi xa chưa được chú ý ngay từ khâu đầu tư, quản lý. Quy hoạch rừng phòng hộ tuy đặt trong khuôn khổ sử dụng đất hợp lý vùng đầu nguồn. Khi thực thi vẫn tách bạch nông lâm nghiệp trong tổ chức sản xuất và quản lý.

Thực hiện trồng rừng phòng hộ người dân được quyền hưởng toàn bộ sản phẩm từ tỉa thưa, nông sản và các lâm sản phụ dưới tán rừng. Các loại rừng khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung cũng vậy. Thực ra sản phẩm tỉa thưa ở những vùng phòng hộ xung yếu, thưa dân, giao thông không thuận lợi chưa hấp dẫn người được giao khoán rừng. Ngoài ra, mức khoán bảo vệ 200.000/ ha/ năm hoặc có tăng chút ít nhưng chưa gắn kết trách nhiệm của người được giao khoán.

Rừng trồng phòng hộ chất lượng số lượng chưa đảm bảo. Rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá, khai thác bừa bãi không duy trì được cấu trúc tự nhiên giảm thiểu khả năng phòng hộ. Do nhu cầu kinh tế, người dân nhận khoán rừng đã tự động chuyển đổi rừng để thay thế bằng những cây trồng có hiệu quả hấp dẫn (sắn, Cao su, cà phê…) và thủy điện cũng góp thêm phần giảm diện tích rừng phòng hộ.

“Có nơi người dân trả rừng nhận khoán vì không đảm bảo lợi ích.” Lợi ích từ chủ trương giao khoán quản lý bảo vệ rừng có hưởng lợi mang lại cho người nhận khoán không phải nhờ số tiền công bảo vệ rừng mà từ cơ chế được hưởng 2% tổng giá trị lâm sản thu được khi rừng đến chu kỳ khai thác. Nhưng hầu hết hộ nhận khoán không đủ kiên nhẫn đợi đến ngày đó mà chỉ mong nhận tiền công quản lý bảo vệ rừng như các Chương trình 661, 304. Khi việc chi trả không kịp thời vì lý do thiếu vốn, người nhận khoán lơ là việc quản lý bảo vệ rừng, rừng bị lấn chiếm, khai thác trái phép là điều hiển nhiên.

Kết luận và kiến nghị

1. Chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý rừng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Diện tích rừng phòng hộ không ngừng được tăng lên. Hệ thống kỹ thuật xây dựng rừng được bổ sung và cập nhật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được tăng cường. Vốn đầu tư xây dựng và quản lý rừng được cải thiện. Nhiều vùng trống trọc rộng lớn đã được phủ xanh. Đời sống người dân nhận khoán trồng rừng, khoanh nuôi rừng chăm sóc bảo vệ được cải thiện…

2. Đến 2010 tổng diện tích rừng 13.388.075 ha, độ che phủ là 39,5%. Diện tích rừng phòng hộ chiếm 29,75% diện tích đất lâm nghiệp. Theo yêu cầu phòng chống lũ lụt của rừng đầu nguồn, diện tích có rừng cần đến 70% diện tích quy hoạch mới đảm bảo chức năng phòng hộ. Hiện tại chưa thấy các số liệu đánh giá 41 lưu vực rừng phòng hộ.

3. Rừng phòng hộ đầu nguồn có nguồn gốc tự nhiên bị suy thoái do không kiểm soát được sự chặt phá, còn rừng trồng chưa tạo được lâm phần hỗn loại, nhiều tầng.

4. Công tác quản lý rừng phòng hộ còn lúng túng trong việc bảo vệ xây dựng các khu rừng do các ban quản lý rừng phòng hộ đảm nhiệm, người dân không thiết tha gắn bó với rừng được nhận. Đề nghị giao cho khối Viện, Trường, các tổ chức khoa học lâm nghiệp các vùng sinh thái lâm nghiệp nghiên cứu quy hoạch, xây dựng một số lưu vực phòng hộ vừa hoặc nhỏ để hoàn thiện kỹ thuật xây dựng rừng và kiến nghị bổ sung chính sách xây dựng và quản lý rừng phòng hộ.

TS. Nguyễn Bá Chất, TT Tư vấn & Phát triển môi trường Lâm nghiệp

Tin tức mới

Thong tin noi bat HTML