NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG

  07/02/2018

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG

(Nguồn: Tăng cường chất lượng dịch vụ phục vụ cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam - Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Danh Trường, Phạm Thị Bích Thủy - Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)

Bài mang tính tổng quan về môi trường nông thôn Việt Nam dưới góc nhìn phát triển bền vững. Sau khi nêu lên các đặc điểm chính của hiện trạng môi trường nổi cộm nhất là ô nhiễm làng nghề, báo cáo đề cập đến những nỗ lực quan trọng của Việt Nam đối với vấn đề môi trường và phát triển bền vững, tập trung ở kết quả thực hiện bộ tiêu chí Nông thôn mới. Phần cuối của báo cáo trình bày những nội dung công việc liên quan của VACNE và mông muốn tiếp tục hợp tác toàn diện với Hội ĐTM Hàn Quốc, cố gắng tổ chức thường niên các cuộc hội thảo khoa học.

1. Đánh giá hiện trạng môi trường nông thôn Việt Nam

Nông thôn Việt Nam ở mỗi vùng miền có những đặc trưng khác nhau về điều kiện tự nhiên nên sự phát triển kinh tế xã hội cũng có nhiều đặc trưng và định hướng khác nhau, khoảng 70% dân số cả nước tập chung sinh sống, nông thôn Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với tổng diện tích tương đương khoảng 80% diện tích cả nước, nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh, góp phần giữ cân bằng sinh thái giữa nông thôn và thành thị.

1.1 Môi trường không khí các vùng nông thôn còn tương đối tốt

Chất lượng môi trường không khí ở các vùng nông thôn còn khá tốt, rất nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Nồng độ các chất ô nhiễm hầu hết nằm trong ngưỡng cho phép theo QCVN 05:2013. Có sự khác biệt về nồng độ các chất trong không khí ở nông thôn tùy theo khu vực và ảnh hưởng của ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm.

Môi trường không khí nông thôn ở Việt Nam hiện nay chủ yếu bị ảnh hưởng bởi một số hoạt động làng nghề. Điểm công nghiệp xen cài, các cơ sở sản xuất, các trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động khai thác khoáng sản lân cận và hoạt động vùng nông thôn đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường cục bộ. Các thông số đáng chú ý là bụi, NH3, SO2 và NO2.

Vùng nông thôn trên cả nước có chất lượng không khí còn khá trong lành. Các khu vực có chất lượng không khí tốt với nồng độ thông số gây ô nhiễm rất thấp là vùng trung du miền núi phía Bắc, các khu vực thuần nông nơi hầu như chưa chịu tác động của hoạt động kinh tế. Một số nơi khác như khu vực ven đô, các khu vực dân cư đông đúc,.. có nồng độ các chất trong không khí cao hơn, tuy nhiên hầu hết các vùng chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm.

1.2 Chất lượng nước mặt bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm ở một số vùng nông thôn

Việt Nam có nguồn nước mặt phong phú với hệ thống sông, suối dày đặc với các ao hồ, kênh rạch phân bố rộng khắc các khu vực trên cả nước. Đây là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất,.. đồng thời cũng là nơi tiếp nhận lượng chất thải từ các hoạt động này. Theo đánh giá, nguồn nước mặt đầu nguồn các con sông chảy qua  khu vực trung du, miền núi ít dân cư, hoặc các sông chảy qua khu vực thuần nông vùng đồng bằng có chất lượng nước khá tốt do chưa có sự tác động của các chất gây ô nhiễm từ các nguồn thải. Môi trường nước mặt tại hầu hết các vùng có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, nhiều vùng vẫn đạt yêu cầu cho cấp nước sinh hoạt.

Tuy nhiên sự gia tăng dân số và tác động tổng hợp từ các hoạt động phát triển như trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, làng nghề đang gây áp lực lớn đến môi trường vùng nông thôn. Quá trình thải bỏ các chất thải có nguồn gốc từ nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và quá trình rửa trôi bề mặt, xói mòn làm tăng nguy cơ vận chuyển các chất ô nhiễm vào nước mặt. Do đó nước mặt nhiều nơi đã có dấu hiệu suy giảm chất lượng và đã ghi nhận hiện tượng ô nhiễm ở một số điểm.

Khu vực có chất lượng nước mặt suy giảm chủ yếu là vùng hạ lưu các con sông, các khu vực ven đô, nơi tiếp nhận nước thải từ các khu đô thị, nước thải sinh hoạt, làng nghề,.. các vấn đề phổ biến là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và chất dinh dưỡng. Một số điểm còn có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng. Tùy theo địa bàn chảy qua và thành phần chất thải, nước thải tiếp nhận mà mỗi con sông sẽ bị ảnh hưởng bởi mỗi chất gây ô nhiễm khác nhau. Sự tác động liên tục của các nguồn thải tổng hợp (sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp,..) làm cho chất lượng nước có sự biến động lớn, nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi các chất thải thông thường kèm với mật độ vi khuẩn luôn vượt QCCP.

Ô nhiễm nước mặt tại các khu vực làng nghề cũng đang là một vấn đề nóng tại một số vùng nông thôn hiện nay, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân chính do các làng nghề ở nước ta hầu hết có quy mô nhỏ, phân bố manh mún chủ yếu trong các khu dân cư, trình độ sản xuất còn thấp, công nghệ lạc hậu mà vấn đề môi trường thì chưa được chú trọng các loại rác thải chưa được thu gom, xử lý và thải thẳng ra môi trường nước mặt các kênh, mương, ao ,hồ và sông, suối trong vùng.

1.3 Môi trường đất bị ô nhiễm do tồn sử dụng phân hóa học và tồn lưu chất độc chiến tranh

Ở Việt Nam, phân bón hóa học được sử dụng phổ biến do ưu thế về chi phí và hiệu quả nhanh chóng tác động lên cây trồng. Ở một số vùng thâm canh tăng vụ cao, lượng phân bón hóa học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp còn cao hơn. Các vấn đề từ việc dùng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta do: Sử dụng không đúng kỹ thuật nên hiệu quả thấp và dư lượng thuốc thải ra môi trường nhiều; Bón phân không cân đối nặng về sử dụng phân đạm làm đất bị mất cân bằng chất dẫn đến suy thoái và ô nhiễm.

Kết quả đánh giá ở nhiều vùng canh tác trong cả nước cho thấy hệ quả của việc sử dụng phân bón không hợp lý là đất bị chua hóa, hàm lượng các chất vôi giảm, kết cấu đất kém đi, có sự tích đọng hàm lượng các chất nitrat, amoni và một số kim loại nặng. Các loại hóa chất bảo vệ thực vật thường được dùng ở liều lượng cao hơn mức khuyến cáo, thêm vào đó thói quen vứt bừa bãi vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thẳng ra đồng ruộng, kênh mương cũng là vấn đề đáng lo. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo nước mưa và nước tưới đi vào nguồn nước, thấm vào tích tuy gây ô nhiễm các tầng đất.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay toàn quốc vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm do ảnh hưởng bởi các chất độc hóa học tồn lưu. Các điểm ô nhiễm có thể phân ra thành hai loại chính là các khu vực đất bị nhiễm dioxin do ảnh hưởng chiến tranh (khu vực bị phun rải chất độc hóa học và các sân bay quân sự) và các kho thuốc bảo vệ thực vật.

Đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, xử lý hoặc cải tạo để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Cho đến nay, hàm lượng chất dioxin trong đất ở hầu hết các vùng bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh đều ở ngưỡng cho phép, dao động khoảng dưới 10 ppt TEQ. Chỉ một số rất ít có nồng độ trong khoảng 10-100 ppt TEQ, vẫn đảm bảo ngưỡng giới hạn cho phép 120 ppt TEQ theo QCVN 45:2012/BTNMT đối với đất ở nông thôn.

Bảng: ước tính khối lượng chất thải rắn chăn nuôi của Việt Nam

STT

Loại vật nuôi

CTR bình quân (kg/ngày/con)

Tổng chất thải rắn

2009

2010

2011

2012

2013

1

10

22.000

21.500

19.500

18.600

18.500

2

Trâu

15

15.800

15.900

14.600

14.000

13.800

3

Lợn

2

20.000

20.000

19.400

19.000

18.900

4

Gia cầm

0.2

20.400

21.000

23.000

22.000

22.600

5

Dê, cừu

1.5

750

760

684

725

726

6

Ngựa

4

149

131

126

120

113

 

 

 

Kết quả đánh giá gần đây về thực trạng tồn lưu dioxin trong đất và trầm tích cho thấy điểm nóng về dioxin không chỉ tập chung ở 3 khu vực chính gồm các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, và Phù Cát. Các nghiên cứu cho thấy ở một số vùng nông thôn cũng phát hiện hàm lượng dioxin và fran trong mẫu đất và trầm tích do ảnh hưởng hóa chất tồn lưu từ chiến tranh.

1.4 Nỗi ám ảnh ô nhiễm làng nghề và xử lý chất thải ở nông thôn

Theo số liệu thống kê mới nhất của tổng cục Môi trường được tổng hợp từ báo cáo chính thức của Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến năm 2013, tổng số làng nghề trên toàn quốc là 3.355 làng, trong đó có 1.318 làng nghề đã được công nhận và 2.037 làng có nghề chưa được công nhận. Trung bình mỗi ngày trên cả nước, các hộ làm nghề thải ra từ 300 đến 500 tấn bã, hơn 15.000 m3 nước thải, hàng trăm tấn thải rắn, chứa các chất tẩy rửa hóa học qua quá trình phân hủy tạo ra những mùi hôi thối nồng nặc.

Ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn là vấn đề nổi cộm của nước ta từ nhiều năm qua. Hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, vẫn còn tồn tại những ngành sản xuất gây ô nhiễm không khí nặng (như tái chế nhựa, kim loại, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy,..), không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường để xử lý chất thải, không thực hiện ĐTM, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, mặc dù đã có những quy định về di rời và xử lý đối với các loại hình làng nghề này. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, lại nằm xen lẫn trong khu dân cư, chưa có sự đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải nên rất khó kiểm tra, giám sát nguồn phát thải các chất ô nhiễm.

Việc xử lý chất thải rắn từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, các làng nghề và rác thải sinh hoạt không còn là vấn đề cấp bách riêng của các đô thị và các thành phố lớn mà đã trở thành vấn đề đáng báo động cả ở những vùng nông thôn trong toàn quốc. Bảng dưới đây cho thấy ước tính chất thải rắn trong chăn nuôi bao gồm phân và các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết, chất thải lò mổ,..

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các làng nghề nông thôn, việc thay đổi tập quán sinh sống và lợi ích từ phát triển khoa học công nghệ làm cho các áp lực môi trường liên quan đến chất thải ở nông nghiệp gia tăng cả về thành phần và tải lượng rác thải. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, chất thải từ hoạt động làng nghề và rác thải từ hoạt động sinh hoạt là những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn ở các vùng miền.

Tại các vùng ven đô thị, vùng đồng bằng tập chung nhiều dân cư thì việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Hiện tại, chất thải từ các khu vực này đã được các tổ chức vệ sinh môi trường thu gom và vận chuyển về các bãi chôn lấp. Hình thức bãi chôn lấp lộ thiên, hầu hết không có hệ thống xử lý nước rỉ rác hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thực hiện tiêu chí 17 của chương trình nông thôn mới, tại một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải tập trung. Việc thu gom xử lý cũng bước đầu được áp dụng đối với rác thải sinh hoạt. Đối với các loại rác thải nguy hại, khó phân hủy, chủ yếu có nguồn gốc từ các khu công nghiệp và các làng nghề, việc thu gom xử lý còn rất hạn chế và gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng môi trường. Công tác thu gom vận chuyển chất thải sinh hoạt ở nông thôn mặc dù đã có chuyển biến song chưa đồng bộ giữa các vùng miền và còn nhiều bất cập.

1.5 Những nỗ lực trong quản lý môi trường ở nông thôn

Ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Nhận thức được vấn đề đó công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn đang được chú trọng hơn. Tuy nhiên, quản lý môi trường nông thôn vẫn có nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn chưa được cải thiện, thậm chí có xu hướng xấu hơn.

Trong những năm qua, ngay từ cấp Trung ương, công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối quản lý. Mặc dù, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng ngay trong quy định về chức năng nhiệm vụ cũng chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý môi trường nông thôn. Bộ NN&PTNT và một số Bộ ngành khác được phân công trách nhiệm quản lý môi trường ngành, lĩnh vực mình quản lý. Theo đó, đối với từng ngành và lĩnh vực cụ thể mà công tác quản lý còn có sự đan xen, có những nội dung chồng chéo, nhưng cũng có những nội dung còn đang bỏ ngỏ.

Việc phân công trách nhiệm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên việc triển khai thực thi theo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp còn nhiều tồn tại. Hiện nay, công tác quản lý môi trường bị lồng ghép vào các chức năng quản lý ngành sẽ không tránh khỏi nhiệm vụ BVMT bị đưa xuống hành lang thứ yếu so với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên mô hình này mô hình này không còn phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ở cấp địa phương, công tác bảo vệ môi trường ở nhiều vùng nông thôn chưa tốt, điều này cho thấy trách nhiệm của công tác quản lý và hiệu quả thực thi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị quản lý trực tiếp ở khu vực nông thôn là UBND cấp xã. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do những khó khăn về chỉ đạo, điều hành từ cấp cao hơn, về kinh phí, về quỹ đất để quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường, về nhân lực để thực hiện khâu tổ chức, kiểm tra, giám sát,...hầu như còn thiếu và yếu.

2. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và kinh tế xanh khu vực nông thôn Việt Nam

2.1 Chương trình nghị sự XXI và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Nạn đói đã là mối đe dọa thường xuyên đối với nhiều người và khả năng lâu dài của trái đất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lương thực và các sản phẩm nông nghiệp khác lại không có gì làm chắc chắn. Dân số toàn cầu đã tới con số 5,5 tỷ vào năm 1993 và có thể đạt tới 8,5 tỷ vào năm 2025, khi đó sẽ có tới 85% sống ở các nước đang phát triển. Chương trình dân số phải là một bộ phận của các chính sách rộng lớn hơn để cùng nhằm vào các yếu tố như thể chất của hệ sinh thái, công nghiệ, phân bố dân cư và nhằm vào các cơ cấu kinh tế - xã hội và cơ hội sử dụng các nguồn tài nguyên. Quản lý tài nguyên phải nhằm giải quyết các nhu cầu đòi hỏi của nhân dân và phải trở nên bền vững trong một thời gian dài. Chúng ta phải đáp ứng được các nhu cầu của con người, bảo vệ và quản lý tốt hơn các hệ sinh thái.

Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn sẽ đòi hỏi có những điều chỉnh lớn trong các chính sách về nông nghiệp, môi trường, kinh tế ở tất cả các nước và ở mức độ quốc tế. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác giữa nhân dân nông thôn, các chính phủ quốc gia, lĩnh vực tư nhân và cộng đồng quốc tế.

Chính sách sử dụng bền vững là phải nhằm vảo công tác quy hoạch trên một phạm vi đủ rộng để duy trì cho các hệ sinh thái khu vực như là các vùng đầu nguồn. Phải khuyến khích nhân dân đầu tư vào việc sử dụng đất trong tương lai bằng cách giao cho họ quyền sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ về mặt tài nguyên, tài chính và mua bán sản phẩm của họ với giá thỏa đáng. Nhân dân cần được tư vấn và đào tạo về cách sử dụng các kỹ thuật và các hệ thống canh tác làm sao bảo vệ và cải thiện được đất trong khi vẫn nâng cao được sản xuất. Sẽ phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để nâng cao sản xuất lương thực. Cần sử dụng một cách hiệu quả sự hỗn hợp giữa các nguồn năng lượng hóa thạch và năng lượng tái sinh, bao gồm cả các loại nhiên liệu từ gỗ và các loài thực vật khác.

Việc sử dụng một cách tốt hơn sự đa dạng phong phú của nguồn tài nguyên gien động và thực vật là một  số vấn đề cực kỳ quan trọng nhằm làm đã dạng hóa và nâng cao sản xuất lương thực đồng thời nâng cao được chất lượng của các loài động vật bị cằn cỗi. Những loài động và thực vật dễ bị tổn thương hiện đang ngày bị mất đi và các nỗ lực nhằm làm tăng sự đa dạng về gien lại không được cấp đủ tiền và không đủ người để làm. Lợi ích của công tác nghiên cứu và triển khai về chăm sóc cây trồng và sản xuất giống phải được chia sẻ một cách công bằng giữa người cung cấp và người sử dụng vật liệu.

Lương thực bị tổn thất do sâu bệnh được ước tính bằng 25% mùa màng. Việc kiểm soát bằng hóa học các loại sâu hại lượng thực đang thịnh hành, song việc sử dụng quá mức hóa chất đã gây tốn kém và đẻ ra những tác hại cho sức khỏe con người và môi trường. Việc ngăn giữ không cho dân nghèo nông thôn sử dụng vùng đất không thích hợp cho việc trồng trọt, tạo việc làm phi nông nghiệp như công nghiệp nông thôn, sử dụng động vật hoang dã, ngư nghiệp, công nghiệp nhẹ dựa trên cơ sở làng xã, du lịch,.. cần được phát triển.

2.2 Định hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh nông thôn Việt Nam

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng của thế hệ tương lai. Để đảm bảo có một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, chúng ta chỉ có con đường là giải quyết một cách cân đối các vấn đề về môi trường và phát triển cùng một lúc..

Phát triển bền vững có nghĩa là cả ba khía cạnh chủ yếu liên quan tới đời sống của nhân loại là kinh tế, xã hội và môi trường phải được tổng hòa, kết hợp, lồng ghép khi có thể và được cân đối hiệu quả qua các chính sách, cơ chế, công cụ và qua quá trình thực hiện chính sách. Nó cũng giống như xây dựng một tòa nhà kinh tế - xã hội trên nền móng hệ sinh thái. Tòa nhà chỉ bền vững khi cả khung nhà, mái nhà và nền móng đều vững chắc, gắn kết chặt chẽ và hài hòa với nhau. Do vậy, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân. Quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển bền vững phải được toàn dân tham gia theo phương thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong 19 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách phát triển thì có 5 lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế bền vững trong đó đề cập tới vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Bởi: nông – lâm – ngư nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt với môi trường sinh thái, là lĩnh vực hoạt động của 2/3 dân số của đất nước. Cho nên, chương trình định hướng phát triển bền vững đã đưa ra một số định hướng là:

- Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách vê khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Quy hoạch và phát triển nông thôn theo quan điểm bền vững.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nhiều mục tiêu: tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Áp dụng các hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng.

- Đẩy mạnh sử dụng các biện pháp khoa học – công nghệ và phát triển nông nghiệp sinh thái.

2.3 Nỗ lực thực hiện các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với các mục tiêu đặt ra đến năm 2015 và 2020 có tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã thu được một số kết quả tích cực. Bộ máy tổ chức và vận hành chương trình đã được thành lập và hoạt động rất tích cực từ cấp Trung ương (các bộ ngành) đến địa phương (các xã, thôn). Hàng loạt các chính sách đã được ban hành phục vụ chương trình. Theo thống kê, đến 9/2014, đã có 93,7% số xã đã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 81% số xã được phê duyệt Đề án nông thôn mới; 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 2,05% tổng số xã trong cả nước) gần 600 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (chiếm 6,9%). Đặc biệt đối với nhóm tiêu chí về môi trường, hầu hết ở các tỉnh và thành phố đều đã tổ chức hướng dẫn và yêu cầu triển khai thực hiện đối với các xã thuộc địa phương đó.

Tuy nhiên, cũng theo kết quả đánh giá sau thời gian triển khai thực hiện chương trình, nhóm các tiêu chí về môi trường là một trong những nhóm tiêu chí khó triển khai thực hiện nhất.

Có thể thấy rằng, mặc dù tiêu chí môi trường đã được đưa vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên kết quả triển khai thực hiện vẫn còn ở mức hạn chế. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như: các tiêu chí được xây dựng chưa bám sát vào tình hình thực tế, một số tiêu chí còn mang tính lý thuyết, khó triển khai ngay từ khi bắt đầu quy hoạch, kế hoạch hay dự án để thực hiện mục tiêu phát triển, các vấn đề môi trường chưa được xem xét thấu đáo và có biện pháp BVMT ngay từ đầu. Mặc dù đã có quy định về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại (trong đó có bao bì thuốc bảo vệ thực vật)... nhưng khâu triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát còn rất hạn chế. Một phần do tập quán sinh hoạt, sản xuất, do ý thức chạy theo lợi ích trong sản xuất, nên người dân nông dân không quan tâm đến khía cạnh bảo vệ môi trường mà trực tiếp là bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn. Một nguyên nhân nữa là hiểu biết nói chung của người dân khu vực nông thôn về luật pháp, hiểu biết về những tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sinh hoạt gây ra, nên không thực hiện các nội dung quy định về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường. Vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương các cấp trong khâu tuyên truyền, vận động phổ biến pháp luật và kiểm tra, giám sát

Tin tức mới

Thong tin noi bat HTML